Qua kỳ trước, chúng ta nhận thấy rằng, đối với con người, sức mạnh lấn át kẻ khác là điều vô cùng quan trọng. chính nhờ đó mà con người cảm thấy mạnh mẽ hơn, tự tin hơn. Nhưng, …
Niềm tin vào sức mạnh bên ngoài làm rạn vỡ tâm hồn con người, tinh thần của cộng đồng, của quốc gia và của thế giới. Không hề có sự khác nhau giữa bệnh tâm thần phân liệt với một thế giới CÓ chiến tranh. Không hề có sự khác nhau giữa nỗi đau của một linh hồn bị dằn xé, tan vỡ với nỗi đau của một quốc gia bị chia cắt. Khi vợ chồng tranh giành uy thế, họ cùng hành xử như cách của những người thuộc hai chủng tộc khác nhau hành xử khi sợ hãi lẫn nhau.
Chính từ những động lực này mà chúng ta hình thành nên hiểu biết hiện tại về tiến hóa: một quy trình gia tăng không ngừng khả năng chi phối môi trường sống và khả năng thao túng lẫn nhau. Quan niệm này phản ánh những giới hạn trong cách nhận thức về thế giới vật chất chỉ bằng năm giác quan. Nó phản ánh một cuộc tranh giành nhằm chiếm được sự thắng thế về sức mạnh ngoại hiện, vốn được sinh ra từ nỗi sợ hãi bị thua kém, yếu thế.
Sau hàng thiên niên kỷ bạo tàn với nhau (giữa cá nhân với cá nhân, giữa nhóm người với nhóm người), ngày nay chúng ta thấy rõ tình trạng bấp bênh, bất an – vốn là nền tảng cho ý thức gầy dựng vỏ bọc bảo vệ, phát huy thanh thế – không thể được hóa giải bằng việc tích lũy sức mạnh ngoại hiện. Không chỉ từ phương tiện truyền thông, mà còn qua vô số những đớn đau, khổ sở con người phải chịu đựng, chúng ta đã thấy những bằng chứng hiển nhiên rằng nhận thức xem uy lực là sức mạnh ngoại hiện chỉ mang lại đau khổ, bạo lực và hủy diệt. Đây là cách loài người chúng ta tiến hóa cho đến ngày nay, và cũng là điều chúng ta đang muốn bỏ lại đằng sau.
Hiểu biết sâu sắc hơn dẫn chúng ta tới một loại sức mạnh khác – loại sức mạnh yêu thương quý trọng cuộc sống, loại sức mạnh chấp nhận không phán xét, loại sức mạnh nhận thức được ý nghĩa và mục đích tồn tại của những điều nhỏ bé nhất trên Trái Đất. Đây là sức mạnh nộí tại (sức mạnh đích thực). Khi ý nghĩ, cảm xúc, hành động của ta đồng điệu với phần thanh cao, hướng thiện nhất trong nội tâm, ta trở nên tràn đầy lòng nhiệt huyết, sống có ý nghĩa và mục đích. Cuộc sống trở nên trù phú và viên mãn. Chúng ta không có những ý nghĩ cay độc, những ký ức hãi hùng. Chúng ta vui sướng và gắn bó mật thiết với thế giới mình đang sống. Đó là sự trải nghiệm sức mạnh nội tại.
Gốc rễ của nguồn sức mạnh đích thực ăn sâu bám chắc từ trong nội tâm con người. Sức mạnh nội tại không thể mua bán mà có, không thể được thừa kế hay tích trữ. Người tràn đầy sức mạnh nội tâm không thể làm cho ai hay bất cứ cái gì trở thành nạn nhân. Họ là người mạnh mẽ đến mức ý tưởng dùng vũ lực hay thế lực để áp chế người khác đều không nằm trong ý thức của họ.
Hiểu biết về sự tiến hóa sẽ là chưa đầy đủ nếu không nắm bắt được điều cốt yếu ràng: Chúng ta đang trong hành trình hướng về phía sức mạnh nội tại; việc củng cố sức mạnh nội tại là mục tiêu của quá trình tiến hóa và là mục đích tồn tại của loài người. Chúng ta đang tiến hóa – chuyển hóa – từ những người theo đuổi sức mạnh ngoại hiện thành những người theo đuổi sức mạnh nội tại. Chúng ta đang bỏ lại đằng sau tham vọng khám phá trọn vẹn thế giới vật chất như là phương cách tiến hóa duy nhất của mình. Cách thức này không còn phù hợp nữa, sẽ cản trở ta vươn tới đích đến cuối cùng – linh hồn trở nên toàn vẹn, hoàn hảo.
Con người đang chuyển đổi từ nhận thức chỉ bằng năm giác quan sang nhận thức đa giác quan. Năm giác quan cùng kết hợp tạo thành một hệ thống cảm nhận đơn điệu, chi để nhận thức thực tại vật chất. Trong khi đó, nhận thức đa giác quan mở rộng tâm nhìn của chúng ta vượt xa khỏi thực tại vật chất, thấy rõ những hệ thống động lực lớn hơn – thực tại vật chất chi là một phần của hệ động lực lớn này. Nhận thức đa giác quan cho ta khả năng hiểu và trân trọng vai trò của thực tại vật chất trong tổng thể bức tranh tiến hóa, cùng những động lực mà nhờ đó thực tại vật chất được tạo nên và được duy trì.
Chính phần “bức tranh” vô hình mà năm giác quan không thể “đón bắt” được này là nguồn cội sản sinh ra những giá trị sâu sắc nhất. Nó lý giải vì sao có những người hiến dâng cả cuộc đời họ cho những mục đích cao thượng.
Nếu chỉ qua “lăng kính” năm giác quan thì không thể giải thích được sức mạnh của Mahatma Gandhi, những hành động đầy lòng trắc ẩn của Chúa Jesus.
Tất cả những bậc thầy vĩ đại của nhân loại đều là những người nhận thức đa giác quan. Họ nói chuyện với chúng ta và hành động tuân thủ đúng theo những nhận thức và giá trị phản ánh quan điểm nhìn nhận đa giác quan; vì vậy, lời nói và hành động của họ làm thức tỉnh chân lý sống bên trong ta.
(Tham khảo: The Seat of The Soul)