Seventy Eight Degrees of Wisdom

Rachel Pollack

CHƯƠNG IV: CHUỖI VẬT CHẤT

LÁ BÀI THE LOVERS

Lá Bài The Lovers

Giữa vô số những “cải tiến” Arthur Waite và Pamela Smith nêm nếm vào bộ bài Tarot truyền thống thì lá The Lovers là lá “nữ hoàng bi kịch” nhất. Lá The Lovers của bộ Tarot de Marseilles vẽ một anh chàng trẻ tuổi nằm trong tầm ngắm của thần tình yêu Cupid và buộc phải kén lấy một trong hai người đàn bà, còn bộ Rider lại tả cảnh một người đàn ông đã trưởng thành với một người đàn bà độc thân, với một thiên thần chủ trì phía trên. Sâu xa hơn, trong khi đa phần các bộ Tarot khác đi chỉ thể hiện tình huống xã hội, thì bộ Rider vạch mặt chỉ tên cảnh Vườn Địa Đàng, hay đúng hơn, Tân Vườn Địa Đàng, với cây cối đem lại sự Khai Sáng chứ không phải sự Sa Ngã.

Phiên bản già cỗi hơn của lá chính số 6 đôi lúc mang tên The Choice (Sự Lựa Chọn), và trong bói toán nó mang nghĩa sự lựa chọn quan trọng giữa hai ham muốn. Trong bộ Marseilles, một bà da trắng loá một bà đen thùi lùi, nhưng không phải ám chỉ phân biệt chủng tộc đâu nhé, mà là biểu tượng truyền thống ở châu Âu chỉ Cái Ác và Cái Thiện, còn đàn bà phụ nữ nói chung là chỉ sự cám dỗ – đồng nghĩa với hai sự lựa chọn: một bên thì đúng đắn nhưng nhàm chán còn một bên là khao khát mãnh liệt nhưng không chính tông (kiểu vợ nhà chân ngắn với tình nhân chân dài ấy mà). Lá bài có thể ám chỉ từ một lựa chọn cơ bản cho đến khủng hoảng lớn trong cuộc sống một cá nhân. Chúng ta có thể thấy biểu tượng cổ đại này xuất hiện nhan nhản trong nhiều thể loại tiểu thuyết và phim ảnh về những người đàn ông trung niên hoặc thuộc tầng lớp trung lưu cố gắng từ bỏ mấy bà vợ yêu quý nhạt nhẽo vì mấy em gái trẻ trung hoang dại.

Thực tế sự lựa chọn có thể kéo dài hết cuộc đời một người. Ngay cả những người không bao giờ bận lòng đến ranh giới đạo đức trong tầng lớp trung lưu của họ cũng có thể cắm đầu vào những sự lựa chọn như một kẻ phạm tội chung thân. Và có rất nhiều người sống cuộc sống vẻ ngoài thì đứng đắn nhưng bên trong luôn dằn vặt khôn nguôi với những khát khao, những thôi thúc ngoại tình, bạo lực, hoặc chỉ đơn giản là bỏ nhà để thành một lữ khách lang thang.

Trong cấp độ huyền bí, sự lựa chọn giữa người đàn bà da trắng và người đàn bà da đen thể hiện sự lựa chọn giữa con đường bên ngoài (Hierophant), con đường mà cuộc sống trải thảm sẵn chỉ việc đi, hoặc con đường bên trong cho những kẻ tu tập có thể dẫn đến những mâu thuẫn với các khao khát ẩn giấu bên trong. Nhà Thờ gắn mác ma quỷ cho những pháp sư, và trong mớ phúng dụ Thiên Chúa Giáo thì người phụ nữ da đen thường đại diện cho Satan.

Những ý nghĩa này đều chỉ đến sự lựa chọn giữa ánh sáng và bóng tối theo cụm nghĩa rộng nhất có thể. Hàng Ẩn Chính đầu tiên chúng ta có thể nhìn những lựa chọn đó một cách điển hình hơn, rằng sự lựa chọn thiết thực đầu tiên của con người là độc lập khỏi cha mẹ. Cho đến khi những ham muốn tình dục xuất hiện đa phần con người thoả mãn với việc hành động khác với mong đợi của cha mẹ. Đến “tuổi nổi loạn” thì ham muốn tình dục lại là kim chỉ nam chỉ ra nó muốn đi đến đâu. Cuối cùng chúng ta bắt đầu thác loạn tràn sang cả các lĩnh vực khác nữa. Hiếm khi nào đối tượng cha mẹ chọn cho chúng ta lại trở thành đối tượng chúng ta sẽ chọn cho bản thân. Nếu sự khác biệt quá nhức nhối, hoặc cha mẹ quá kiểm soát, thì người đó sẽ phải đối mặt với những lựa chọn đau thương.

Paul Douglas đã bình phẩm người đàn bà tóc đen trông có vẻ già cỗi hơn chính là mẹ của người đàn ông, và sự lựa chọn là hoặc tiếp tục nép sau váy bà hoặc tự thân vận động. Những người như Freud tin rằng khao khát đầu tiên của một cậu bé liên kết trực tiếp với bà mẹ sẽ cảm thấy phức cảm Oedipus cổ điển (bi kịch Oedipus). Một phần nhân cách mong mỏi duy trì cuộc sống ảo tưởng gắn kết với người mẹ, trong khi phần còn lại thèm khát “tình yêu đích thực” trong hiện thực thuộc thế hệ của cậu bé. Nhưng chúng ta không phải nhúng mông vào phân tâm học của Freud mới thấy được sự hàm ý rộng hơn của sự lựa chọn kiểu này. Dù có “ham muốn thầm kín” với mẹ hay không, thì sống ăn bám vào bố mẹ hiển nhiên là an toàn và nhàn hạ. Nhưng anh ta (hoặc cô ta, về cơ bản con gái cũng có những vấn đề tương tự dù đôi lúc ở hình thái khác) sẽ không bao giờ trở thành một cá nhân độc lập nếu không tách ra. Và chẳng thứ gì hiệu quả triệt để hơn tình dục.

Thế nên, phiên bản truyền thống của lá chính 6 đại diện cho “tuổi nổi loạn”. Thời kì này không chỉ xuất hiện kích dục mà còn xuất hiện cả sự độc lập về trí tuệ và đạo đúc. Lá 3, 4, 5 đã tạo ra khuôn hình cơ bản của con người thông qua 3 thế lực: bố mẹ, tự nhiên và xã hội. Lá 6 cá nhân trở nên cá nhân hơn, nhân cách thực sự với những lý tưởng và mục đích riêng biệt đã có thể quyết định những lựa chọn dựa trên phân tích khao khát cá nhân và trách nhiệm thay vì dựa trên mệnh lệnh của cha mẹ.

Những ý nghĩa này thuộc về cấu tạo truyền thống của lá bài. Trong thiết kế phiên bản The Lovers, Waite hướng tới mục đích khác. Tình dục và tình yêu đóng vai trò gì trong cuộc sống một người? Và người ta có thể tìm thấy loại sức mạnh bi kịch lớn lao nhưng sâu sắc nào trong cuộc “đâm chọt mây mưa” giữa hai trái tim và hai cơ thể? Waite gọi bức tranh của ông, “lá bài tình yêu của nhân loại, xuất hiện ở đây như một phần của lựa chọn, chân lý, và cuộc sống”.

Xu hướng tình dục giúp chúng ta thoát khỏi sự cô lập. Nó đẩy chúng ta vào những mối quan hệ “sinh động” với người khác, cuối cùng để mở ra con đường đến với tình yêu (về cơ bản thì đoạn này đang khuyến khích ngủ trước yêu sau). Thông qua tình yêu chúng ta không chỉ đạt được sự thống nhất với một ai đó, mà chúng ta còn chạm tới một mảnh tin hin trong khối ý nghĩa vĩ đại sâu sắc của cuộc sống. Trong tình yêu chúng ta rũ bỏ cái tôi kiểm soát từng tách chúng ta khỏi cộng đồng và cuộc sống. Thế nên thiên thần treo lửng lơ trên đầu người đàn ông và người đàn bà là một ảo tưởng không thể đạt đến, nhưng cũng thương tình hạ xá để họ thoáng thấy dung nhan.

Tôn giáo, triết học, nghệ thuật luôn khoái nhào nặn biểu tượng nam nữ để thể hiện sự đối tính. Chúng ta đã thấy ý tưởng này xuất hiện trong The Magician và The High Priestess, cũng như giữa The Empress và The Emperor. Chủ nghĩa biểu tượng ở đây được củng cố bằng sự thật rằng Cây Đời với ngọn lửa biểu tượng của The Magician đằng sau người nam, trong khi Cây Trí Tuệ với con rắn trườn (rắn không phải là ma quỷ như thiên hạ đồn đại đâu, mà là sự thông thái vô thức) được vẽ đằng sau người nữ. Thiên thần chứng giám kết hợp hai nguyên lý này. Đạo học truyền thống cổ hủ hay có trò “nam nữ thụ thụ bất thân”, rằng mỗi cơ thể chứa một đạo sống khác nhau. Thông qua tình dục những đạo sống này kết hợp lại.

Những nhà thần bí học luôn nhìn thấy cả hai nguyên tố này trong mỗi cá nhân. Ngày nay chúng ta nghe khối nhà khoa học phán rằng ai cũng nửa nạc nửa mỡ; tuy nhiên thường thì họ đang vơ đũa cả nắm những hành vi xã hội, như sự nóng nảy và dịu dàng. Khi đàn ông và phụ nữ được nhìn nhận như những khía cạnh đối lập dựa trên những tính chất tự nhiên sâu xa nhất, thì quan điểm của những nhà huyền học triệt để hơn nhiều. Có một cách để mô tả mục đích của bộ Ẩn Chính, đó là làm rõ và thống nhất những phẩm tính đối lập. Thế nên nhiều bộ bài, vũ công thoát y The World là một ái nam ái nữ.

Theo như những nhà Qabalah học và những triết gia thuộc trường phái kì bí, toàn bộ nhân loại (bao gồm cả Thượng Đế) đều có nguyên bản là lưỡng tính; đàn ông và đàn bà chỉ bị tách biệt sau cú Sa Ngã. Thế nên sinh ra câu nói mỗi người chỉ là một nửa và chỉ hoàn thiện khi tìm thấy nửa kia của đời mình (mịa sến súa đến thế là cùng!)

Chúng ta bắt gặp ý tưởng tương đồng trong Plato, nhưng với sự đa dạng thú vị hơn. Một trong những thần thoại Plato kể rằng con người nguyên thuỷ là những cặp sinh vật đôi, gồm ba loại: nam-nữ, nam-nam, và nữ-nữ. Tin rằng con người chấm mút quá nhiều sức mạnh nên Zeus một chém sét xẻ đôi những thống nhất thể, và giờ mỗi người trong chúng ta phải lật đật đi tìm nửa kia của mình. Đối lập với Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo, thần thoại Plato đưa ra thực tế công bằng hơn cho người đồng tính. Thế nên nếu chỉ phân định đối lập nam nữ một cách dễ dãi là rất ngu xuẩn. Ai cũng mang trong mình cả The Magician và The High Priestess. Và cặp đang yêu nào cũng có thể triệu gọi thiên thần. Vai trò không quan trọng, quan trọng là hiện thực của sự thống nhất.

Trong những diễn giải theo xu hướng đám đông của Thiên Chúa Giáo về Kinh Sáng Thế, Eve mắc trọng tội, không chỉ vì ăn trái cấm trước, mà vì sự quyến rũ của nàng đã câu dẫn Adam mắc tội theo (có bản dịch là nàng quyến rũ Adam, nhưng không phải đâu nhé). Đàn ông bị chế ngự bởi lí lẽ và đàn bà bởi khoái lạc (ở đây dung từ “reason” – có thể dịch là “lí lẽ” hoặc “lí trí”. Nhưng cá nhân tôi cho là dùng từ “lí lẽ” thì hợp lí hơn, bởi “lí lẽ” là thể thức cao hơn của lí trí, sau khi dùng lí trí đạt được kiến thức thì con người mới sinh ra những “lí lẽ”.) Sự phân chia này dẫn đến dăm kẻ theo Công Giáo tuyên bố rằng phụ nữ không có linh hồn. Nhưng thực chất toàn bộ thần thoại về Cú Ngã nhấn mạnh vào sự bất tuân và sự trừng phạt lại mang nghĩa đàn áp và tẩy não đám con chiên. Khoái lạc thể xác được xem là nguy hiểm với xã hội thế nên phải bị kiểm soát. Như Joseph Campbell chỉ ra trong “Những Mặt Nạ Của Chúa”, tôn giáo thờ nữ thần cổ đại Palestine cũng có loại “bi kịch giờ vàng” với rắn, với Cây Đời và Trái Táo kiểu này. Nhưng trong truyện cổ, nữ thần đã cho kẻ được thông não trái táo trí tuệ để được bước vào thiên đường, chứ không phải nguyên nhân anh ta bị trục xuất. Người Hebrew cổ đã xáo trộn mắm muối thần thoại, một phần dưới danh nghĩa ngăn chặn sự đồi truỵ, nhưng cũng vì họ, như những người Babylon, coi những cách thức cũ là “đáng ghê tởm”.

Tuy vậy bài Tarot là một cách giải phóng. Điều Jahweh sợ, rằng nhân loại “sẽ trở thành như chúng ta”, chính xác là mục đích của Tarot – phô bày đầy đủ những tia sáng thần thánh trong con người và thống nhất chúng với nhận thức của chúng ta, để chấm dứt tính hai mặt của Chúa và con người, kết hợp chúng làm một. Vậy nên dù có nhồi nhét hàng tá biểu tượng như Kinh Sáng Thế, thì The Lovers của bộ Rider đảo nghĩa một cách triệt để.

Hãy để ý rằng trong khi người đàn ông “nhòm” sang người phụ nữ thì người phụ nữ lại ngước mắt ngắm thiên thần. Nếu người đàn ông thực là “lí lẽ”, thì trí tuệ chỉ có thể vượt qua giới hạn nhờ đam mê tầm thường. Về cơ bản, trí tuệ điều khiển và kiềm chế, trong khi đam mê đạp đổ mọi giới hạn. Truyền thống của con người khiến cơ thể và lý trí trở thành hai kẻ qua đường xa lạ. Tarot xuất hiện là để dạy chúng ta mai mối kết hợp chúng (một ngọn núi đơn ngăn cách giữa hai người tình), và rằng không phải khả năng kiểm soát của lý trí nâng các giác quan lên một cấp độ cao hơn. Đam mê mới đúng.

Chúng ta có thể thấy điều này trong thuật ngữ tâm lý học. Đa số con người bị trói buộc bởi cái tôi của mình hoặc những lớp mặt nạ họ trưng ra cho thế giới chiêm ngưỡng. Nhưng nếu họ có thể đầu hang trước những đam mê nhục dục, họ có thể, ít ra là trong một khoảnh khắc, vượt khỏi sự cô lập. Nhưng người không bỏ được cái tôi, dù chỉ trong chốc lát, thì sẽ hoặc lạm dụng tình dục hoặc bị tình dục lạm dụng. “Yêu” trở thành công cụ thao túng người khác, nhưng lại chẳng bao giờ “lên nóc nhà”. Khi một người từ chối khao khát “xôi thịt” để giải toả nhu cầu với người khác, người đó sẽ trầm cảm. Thiên thần đã bị xua đuổi.

Đồng thời chỉ những đam mê cũng không đủ khả năng lôi cổ thiên thần đến. Chúng cần phải được định hướng bằng lí trí, cũng như lí trí cần đam mê để trở có thể quẩy nhiệt tình. Những người chỉ lao theo đam mê thường bị vần từ trải nghiệm này sang trải nghiệm khác.

Paul Foster Case đặt tên thiên thần là Raphael, người làm chủ siêu thức. Điều này dẫn chúng ta quay về tư duy tam thức nhất thể; tại đây chúng ta biết được rằng ba cấp độ của ý thức không hề bị tách biệt hay bị cô lập, giống như ba câu chuyện chung một nhà, nhưng siêu-thức thì lại là sản phẩm được đẻ ra từ sự kết hợp của ý thức và vô thức. Đường mòn nằm giữa vô thức vì đó là nơi ta tìm thấy năng lượng chân nguyên của cuộc sống. Thực tế, siêu thức có thể được mô tả như năng lượng của vô thức nhưng nâng cấp lên trạng thái cao hơn. Một phần của sự chuyển hoá nằm trong ý thức, tạo nên hình thái, định hướng và ý nghĩa cho năng lượng.

Nếu trong mô típ ba bên hai hình trên đại diện cho những cặp đối tính trong cuộc sống, và hình tượng lớn ở trên đại diện cho sức mạnh trung hoà giữa các cặp đối tính, thì trong lá chính 6 “thứ” trung hoà chính là tình yêu nhục dục. Khi chúng ta đầu hàng trước khoái cảm thể xác, chúng ta trải nghiệm bất chợt một thứ gì đó còn vĩ đại hơn cả chính chúng ta. Chỉ là bắt gặp thoáng qua thôi; sự giải phóng thực sự đòi hỏi lắm trò hơn là chỉ mình đam mê. Nhưng tình yêu có thể giúp chúng ta nhìn thấy con đường, và biết đôi dăm lạc thú đang chờ đợi chúng ta ở cuối con đường đó. Chẳng thiếu gì những nhà thần bí học, điển hình như thánh Teresa, đã mô tả cuộc kết hợp với Chúa bằng hình thức khoái lạc xác thịt (chắc là dùng Chúa để thẩm du?).

Ý nghĩa bói toán trong hình ảnh bộ Waite-Smith khá thẳng thắn. Họ đề cập đến tầm quan trọng của tình yêu trong cuộc đời một con người đối với một người tình cụ thể; thường chỉ những cuộc hôn nhân hoặc những mối quan hệ lâu dài. Lá bài ngụ ý rằng một mối quan hệ đặc biệt đã và sẽ chứng minh nó rất có giá trị với một người, giúp anh ta hoặc cô ta có những thấu hiểu mới về cuộc sống. Nếu một vấn đề cụ thể đang được xem xét trong khi đọc bài thì The Lovers ám chỉ sự giúp đỡ theo đôi cách – sự ủng hộ của người yêu cả về cách xử lí lẫn tinh thần. Nhưng không phải lúc nào nó cũng đúng. The Lovers, trong vị thế quá khứ, đặc biệt trong mối tương quan với những lá ám chỉ sự từ chối không đối mặt với tình huống hiện tại, có thể thể hiện sự luyến tiếc bất an với cuộc tình đã mất.

Những lá trước đó đều đại diện cho những chân nguyên tinh khiết nhất. Khi chúng ta đảo ngược chúng, chúng ta nêm nếm những nguyên tố thiếu hụt. Nhưng ở cấp độ này, tính cá thể lên ngôi, ý nghĩa ngược lại thể hiện sự yếu đuối và bế tắc. Đầu tiên nó nói về tình yêu không lối thoát và huỷ hoại, đặc biệt là những cuộc hôn nhân tồi tệ. Nó cũng có thể ám chỉ vấn đề tình dục hoặc mối tình lãng mạn đảo lộn cuộc sống một người, theo cả nghĩa những khó khăn với một người cụ thể, hay đơn giản đi tìm tình yêu đã là một vấn đề lớn. Vì bộ Waite-Smith hướng đến tình yêu trưởng thành, và hình ảnh truyền thống thể hiện quá trình quyết định của tuổi dậy thì, nên cả hai phiên bản lộn cây chuối đều chỉ tình yêu non nớt của trẻ con; “tuổi nổi loạn” kéo dài khiến dăm người ôm thứ ảo tưởng trẻ con trong thời gian dài kể cả khi cơ thể đã hoàn toàn trưởng thành.

Tìm Hiểu Thêm – 78 Độ Minh Triết Tarot

SHARE
Bài trước78 Độ Minh Triết – Lá Bài The Hierophant
Bài tiếp theo78 Độ Minh Triết – Lá Bài The Chariot

Bài Viết Mới

78 Độ Minh Triết – Wicca

78 Degrees of Wisdom Wicca Wicca là một tôn giáo ma thuật, “tà đạo thời hiện đại”....

78 Độ Minh Triết – Lá The tetragrammaton

78 Degrees of Wisdom Lá The tetragrammaton The tetragrammaton (Danh Chúa) Bên cạnh bốn nguyên tố, chúng...

78 Độ Minh Triết – Lá The Gate Cards

78 Degrees of Wisdom Lá The Gate Cards The Gate Cards (Những lá Cổng Vào) Dù cho những...

78 Độ Minh Triết – Lá The Four Suits

78 Degrees of Wisdom Lá The Four Suits The Four Suits (Bốn chất) Bất chấp việc minh...

78 Độ Minh Triết – Bộ Tiền– Lá Nữ Hoàng Tiền

78 Degrees of Wisdom Bộ Tiền – Lá Nữ Hoàng Tiền Nữ hoàng Tiền xuôi Nếu đằng sau...

78 Độ Minh Triết – Bộ Tiền– Lá Vua Tiền

78 Degrees of Wisdom Bộ Tiền – Lá Vua Tiền Vua Tiền xuôi Sự trần tục của bộ...

Video