Seventy Eight Degrees of Wisdom
Rachel Pollack
CHƯƠNG VI: CUỘC HÀNH TRÌNH VĨ ĐẠI
LÁ BÀI THE WORLD
Lá Bài The World (Thế Giới)
Chúng ta có thể diễn tả thế nào về một sự thấu hiểu, một sự tự do và sung sướng vô ngần vượt khỏi ranh giới từ ngữ? Nhận thấy Vô thức một cách có ý thức, bản ngã bên ngoài thống nhất với sinh lượng cuộc sống, tri thức không phải tri thức mà là vũ điệu xuất thần liên tục – chúng đều là thật, và cũng đều không thật.
Chúng ta đã biết về lá Thế Giới qua những lá trước. Con số cũng như cặp gậy thần kết hợp Pháp Sư và Nữ Tư Tế. Chúng ta thấy Thế Giới lấp ló trong lá Vận Xa, và những suy ngẫm về cách thức những biểu tượng của Vận Xa giờ trở nên sống động. Theo cách này hay cách khác, Bánh Xe hầu như đến gần mọi lá thuộc dòng cuối. Dòng này có mục đích kết hợp bản thân chúng ta với mọi thứ được thấy trong lá chính 10 (quan điểm từ bên ngoài), đó là định mệnh, vận động của cuộc sống, những nguyên tố của sự tồn tại. Khi đạt được sự thống nhất, những biểu tượng biến mất, hoà vào linh hồn nhảy múa.
Chúng ta thấy Thế Giới trong lá Người Treo, qua con số và hình ảnh. Lá 12 duy trì hạnh phúc qua sự thu mình tĩnh lặng triệt để. Nhưng ngay cả Cây Thế Giới cũng chỉ là ảo tưởng được tạo ra bởi nhu cầu bám víu lấy điều gì đó của tâm trí. Khi chúng ta hoà cái tôi-tách-biệt vào dòng nước bên dưới gương mặt sáng bừng của Người Treo, chúng ta sẽ biết được rằng sự thống nhất chân chính nằm trong sự vận động.
Mọi thứ trong vũ trụ đều vận động. Trái Đất vận động quanh mặt trời, mặt trời vận động trong thiên hà, các thiên hà tụ tập thành từng cụm thiên hà, tất cả đều vận động quanh nhau. Không có trung tâm. Không có điểm nào là điểm bắt đầu hay điểm kết thúc. Ấy thế mà trung tâm tồn tại mọi nơi, vì trong một điệu vũ, vũ công không chuyển động xung quanh bất cứ một điểm độc nhất nào trong không gian, mà vũ điệu mang tính thống nhất của riêng nó tập trung quanh chính sự vận động liên tục không ngừng, nhưng cũng bình yên không ngừng. “Vô” và “Hữu” tồn tại song hành.
Và thế là chúng ta lại quay lại với Chàng Khờ. Trống rỗng và ngây thơ, nhưng tổng hoà với trí tuệ. Như đã nhắc đến ở đầu, trong tất cả những lá bài Thiên Định, chỉ có 2 lá này vận động. Vòng quyệt quế gợi đến số 0, bao hàm cả những ý nghĩa biểu tượng của số 0. Nó còn ám chỉ trứng vũ trụ, hình mẫu nguyên bản của sự sinh sôi; mọi thứ tồn tại đều có tiềm năng, và mọi tiềm năng đều đã được nhận thức. Bản chất xuất hiện ở mọi nơi, trong mọi thứ. Dải khăn đỏ quấn ở đầu trên và đầu dưới vòng nguyệt quế thắt thành dấu hiệu vô cực, hàm ý rằng bản ngã đã mở ra với vũ trụ.
Hai dải khăn màu đỏ, màu của luân xa cội nguồn trong chủ nghĩa biểu tượng thuộc Hoả Xà (Kudalini). Vũ công thoát y không đánh mất bản thể tồn tại dưới dạng xác thịt trần tục – gốc rễ tồn tại của vũ công nằm trong thực tế vật chất và tính dục. Thay vào đó, nguồn năng lượng tuôn chảy, biến chuyển và đổi mới không ngừng. Màu xanh của vòng nguyệt quế là biểu tượng của thế giới tự nhiên trỗi dậy, chứ không phải bị ruồng bỏ. Màu xanh đồng thời cũng là màu của tình yêu và sự xoa dịu, vươn tới tất cả mọi người, ngay cả những người không nhận thấy nó một cách có ý thức. Màu tím của tấm vải quấn thân vũ công là màu của thánh thần thiêng liêng, và màu xanh da trời là màu của sự thông tri. Khi chúng ta biết rằng thánh thần không phải là thứ gì đó ở bên ngoài kia, mà ở trong chính chúng ta, thì sự xuất hiện của chúng ta truyền tải sự thật này đến với những người xung quanh.
Một hình ảnh tương tự Thế Giới chính là Shiva, Chúa Tể của Vũ Điệu Vũ Trụ. Ngài cũng nhảy với những cánh tay vòng ra, một chân trụ và một chân co, cái đầu thẳng cân bằng và biểu tình trầm tĩnh. Chân phải của cả hai hình tượng đều “cắm rễ” ở thế giới vật chất, trong khi chân trai co lên là biểu tượng của sự giải phóng linh hồn. Khi chúng ta đến giai đoạn đỉnh điểm trong cuộc giao hoà với cuộc sống, thời điểm đó chúng ta sẽ nhận ra tự do của chúng ta. Gương mặt chẳng mang niềm vui sướng hay sầu khổ, mà là bình thản, điềm nhiên trong trong sự trống rỗng. Những cánh tay giang ra đón nhận mọi trải nghiệm.
Shiva-nhảy-múa thường được khắc hoạ là “nửa nạc nửa mỡ” – một nửa cơ thể là Shiva, nửa kia là Parvati, phần nữ của Shiva. Vũ công thoát ý Thế Giới cũng là người lưỡng tính với bộ phận sinh dục kép ẩn sau lớp vải tím, như để nói rằng sự thống nhất đó nằm ngoài tầm hiểu biết của nhân loại. Trong luận bàn về lá Tình Nhân, chúng ta đã đề cập đến niềm tin phổ thông rằng con người đều có nguồn gốc lưỡng tính. Vũ công bộc lộ và thống nhất mọi mặt khác biệt của sự sống.
Cùng cảm thức đó dẫn chúng ta đến “kí ức” của chủ nghĩa lưỡng tính nguyên thuỷ đầu tiên đã đưa loài người tiến một bước xa hơn đến ý niệm “toàn bộ thế giới từng là một con người”. Chúng ta có thể tìm thấy niềm tin này trong phái Ngộ Đạo, Bà La Môn, ở Đức, ở Ấn, và trong những thần thoại khác, đặc biệt là trong thuyết giáo Qabalah. Có một hình tượng mang tên “Adam Kadmon” được cho là tạo vật thuỷ tổ của Thần Bất Khả Tri. Thay vì có xác thịt, Adam Kadmon – cũng là một tạo vật lưỡng tính – được miêu tả là một nguồn sáng tinh khiết. Chỉ khi bản thể ánh sáng vỡ vụn và phân tách thành những phần riêng biệt của vũ trụ thì mới xuất hiện vấn đề ánh sáng bị “giam cầm”. Thực tế thú vị là chính những lý thuyết khoa học đương thời về nguồn gốc vũ trụ mô tả vũ trụ nguyên khởi chỉ là một “hạt”. Ngay thời điểm “hạt” chia tách, nó là ánh sáng tinh khiết; chỉ có về sau, khi những mảnh vỡ trở nên cô lập, thì vài dòng năng lượng mới tụ vào vật chất – hay như theo công thức nổi tiếng của Einstein: E=mc^2.
Thần thoại coi vụ phân tách của Sinh Thể Nguyên Thuỷ là sự kiện tất yếu. Tuy nhiên những nhà thần bí học lại tin vào khả năng phục hồi nguyên trạng. bằng cách bám theo diễn trình phổ quát của bộ Thiên Định, chính ta thống nhất với cuộc sống và nhờ thế bản ngã của chúng ta trở thành Adam Kadmon và Shiva-Parvati.
Adam Kadmon được liên đới với Cây Đời, với mười nhánh Sephiroth, hoặc các điểm phát xạ. Chúng ta đã thấy mối liên kết giữa hình tượng này và Tarot qua 22 chặng của Cây Đời. Vũ công Thế Giới, với tư thái tạo hình, là đại diện tiêu biểu của Cây Đời dưới hình thái phổ thông nhất. Cây Đời được vẽ theo cách này: (hình)
Đơn giản hoá triệt để, chóp tam giác trên cùng là Siêu Thức, giữa là ý Thức, và cuối là Vô Thức, và điểm cuối cùng, rễ cây, là hình thái của tất cả những nguyên tác này trong thế giới thực.
Với Vũ Công, chóp tam giác là vương miện trên đầu, các điểm dưới là vai, tam giác ở giữa là tay và cơ quan sinh dục, tam giác dưới là chân trái vắt chéo sang chân phải. Đồng thời nó là nguyên cả cơ thể. Qua suy ngẫm về vũ công, ta hiểu được rằng vô thức, ý thức và siêu thức không phải những phần tách biệt, hay thậm chí là những giai đoạn tách biệt trong sự sống, mà cả 3 đều là 1. Nhưng thế còn về 10 sephira, rễ của Cây Đời? Chúng ta không thấy nó trong cơ thể mà là ở khắp vũ trụ, nền tảng vĩ đại của sự sống bao hàm những vận động của nhân loại.
Mô tả, ẩn dụ và ngay cả những suy nghiệm đều chỉ có thể “bóng gió xa gần” ám chỉ đến những điều kì diệu ẩn trong lá 21. Khi Thế Giới xuất hiện trong bói toán, những điều kì diệu này bị “hạ cấp” thành những vấn đề thường nhật liên quan đến quẻ bài nhiều hơn. Lá này mang nghĩa thành công, thành tựu, thoả mãn. Ở cấp cao hơn hoặc thấp hơn, nó chỉ sự hợp nhất giữa những giác quan nội tại của một người với những hoạt động ngoại giới.
Thế Giới ngược chỉ sự trì trệ, vận động và trưởng thành chậm lại đến điểm chuẩn bị dừng. Hoặc có vẻ thế. Thực ra, sự tự do và sự hứng khởi của Thế Giới luôn có tiềm năng được giải phóng khi một người cảm thấy sẵn sàng bắt đầu vũ điệu cuộc sống một lần nữa.
Thế Giới có nhiều ý nghĩa mói toán. Nhưng ý nghĩa thực sự là bất khả tri (không thể nhận biết). Chúng là mục tiêu, hi vọng, trực giác. Con đường đến mục tiêu đó, những bước nhảy và âm nhạc của vũ điệu nằm trong từng hình ảnh sống động của bộ Thiên Định.
Tìm Hiểu Thêm – 78 Độ Minh Triết Tarot