Seventy Eight Degrees of Wisdom

Rachel Pollack

CHƯƠNG V: CẮM ĐẦU VÀO BÊN TRONG

LÁ BÀI THE WHEEL OF FORTUNE

Lá Bài The Wheel of Fortune (Vận Xa)

Như vài lá chính xác (nhất là lá Death), Vận Xa được đẻ ra từ kinh Phúc Âm thời trung cổ. Giáo Hội coi Kiêu Hãnh(Tự Cao) là đại tội lớn nhất của kẻ phàm tục, vì trong Kiêu Hãnh con người có thể tự đặt mình ngồi lên đầu Chúa Thánh Thần. Bài học cảnh cáo tội Tự Cao tiêu biểu nhất là câu chuyện về một vị vua vĩ đại bị truất mất quyền lực. Rất nhiều phiên bản của vua Arthur huyền thoại đã kể rằng trong đêm trước trận đại chiến cuối cùng, Đức Vua mơ thấy đứng trước ngài là một vị vua giàu có và quyền lực ngồi trên đỉnh một bánh xe khổng lồ. Đột nhiên nữ thần May Mắn nổi hứng troll nhà vua nên đã đẩy bánh xe quay đủ một vòng và nhà vua lộn cổ 180 độ xuống đáy. Bị táng tơi bời cho tỉnh khỏi cơn say kiêu ngạo, Arthur nhận ra rằng dù có ngồi cao trên đỉnh quyền lực thế tục đến đâu đi chăng nữa thì số phận con người vẫn nằm trong tay Chúa (người tính không bằng trời tính). Những lá bài nhà Visconti chỉ rõ đạo lý này.

(lá bài)

Giờ chúng ta có thể xem xét câu chuyện đạo lý súc tích này đã được đá xa khỏi hệ thống những biểu tượng bí ẩn và quyền lực đập vào mẹt chúng ta từ lá bài Waite-Smith (lá bài), và phiên bản Oswald Wirth (lá bài).

Nhưng nữ thần May Mắn và cái bánh xe lóng lánh của nàng có một lịch sử kì lạ. Đầu tiên là hình ảnh đặc chất trung cổ này được sinh ra từ rất lâu trước đó, khi May Mắn là đại diện của Nữ Thần Vĩ Đại, và “đè bẹp” Đức Vua, là sự kiện có thật. Mỗi năm vào giữa mùa đông, các nữ tư tế sẽ “cúng” một Đức Vua; bằng cách mô phỏng cái chết của năm cũ, họ hạ mình trước quyền lực của Nữ Thần; và bằng việc tuyển lựa một đức vua mới, họ kín đáo gợi ý rằng Bà có thể đưa xuân về đẩy đông đi một lần nữa – với những người không biết đến lý thuyết quy luật tự nhiên thì sự đổi mùa vốn tất yếu lại là một điều kì diệu. Như vậy, Bánh Xe về cơ bản là đại diện cho cả sự bí ẩn của tự nhiên và khả năng “chấm mút” vào hoạt động tự nhiên của con người bằng các nghi lễ cúng tế. Hãy chú ý vị trí của lá bài: đứng ngay dưới lá Empress – biểu tượng của Mẹ Vĩ Đại.

Khoảng thời Trung Cổ, Bánh Xe không giữ được ý nghĩa gốc của nó; nhưng điều đó không có nghĩa là nó mất cả sức mạnh gợi mở những bí ẩn của cuộc sống. Trong phiên bản vua Arthur của Thomas Malory, chúng ta nhận thấy Bánh Xe là biểu tượng của “vận” – vòng quay may mắn ngẫu nhiên. Tại sao dăm đứa giàu dăm thằng nghèo? Sao một vị vua quyền lựa lại ngã chỏng chơ, trong khi một tay bù nhìn vẫn bò lên được ngai vàng? Ai, hay cái gì, kiểm soát vòng quay cuộc đời? Malory cho rằng vận số quay vòng tưởng chừng vô nghĩa nhưng nằm sẵn trong “số trời định” rồi; vị thần định mệnh đã vẽ sẵn đường đi nước bước cho mỗi cá nhân dựa trên những lí do mà “chỉ Chúa mới hiểu” (ông này chắc chạy theo thuyết Định Mệnh rồi đa). Vì “kẻ trần mắt tục” như chúng ta đây không hiểu nổi những lí do của Chúa, nên chúng ta phán rằng chuyện may đến số may qua, nhưng rốt cuộc Chúa đã lên kế hoạch trước hết cả.

Thế nên chúng ta nảy ra câu hỏi không-thể-trả-lời-được rằng tại sao và bằng cách nào mọi thứ xảy ra trong vũ trụ. Cái gì khiến mặt trời toả sáng? Nguyên tố cháy, ok, nhưng cái gì khiến chúng cháy? Tại sao lại tồn tại thứ năng lượng tự động đó? Sao xuân phải đến sau đông chứ không phải ngược lại? Tại sao lại có trọng lực, và nó diễn ra thế nào? Sâu xa hơn, chúng ta nhận thấy “vận mệnh” cũng chỉ là ảo tưởng, một trò tự “thẩm du tư tưởng” của con người để che đậy cái sự thật rằng con người, trong tầm nhìn hạn hẹp, không nhìn thấy được mối liên kết bên trong giữa vạn vật. “Ờ thì,” chúng ta nói, “số nó thế” – một tuyên bố vô nghĩa vì chúng ta không hiểu ý nghĩa ngọn nguồn. Chẳng cái gì tự dưng xảy ra, chúng xảy ra là có lí do cả. Sức mạnh tạo khuôn cho các biến cố, mục đích, hình thể, sự sống cho vũ trụ, như Malory phán, là thuộc về Chúa Thánh Linh, trú ngụ trong nhân giới dưới dạng thực thể chứa trong Chén Thánh (lá Ace of Cups – hay còn lại là lá Át cơ), giống như Shekinah “ăn nhờ ở đậu” trong vùng thánh địa sau tấm màn phủ ở đền chùa tại Jerusalem.

Chúng ta chạm đến sự thật rằng những sự kiện “ngẫu nhiên” trong cuộc sống và thứ được-gọi-là-quy-luật của vũ trụ vật chất đều bí ẩn, khiến chúng ta nhận thức được thế lực tâm linh truyền qua ngón tay “chỉ thiên” của Pháp Sư (The Magician) và trong thế giới tự nhiên của Nữ Hoàng (The Empress). Một lượng lớn những pháp sư và những nhà thần học đã phán rằng các ảo giác đã giúp họ nhìn thấy mối liên kết của vạn vật, vì linh hồn hợp nhất cả vũ trụ. Có thể chúng ta sẽ thấy và hiểu sự sắp xếp vĩ đại này của cuộc sống nếu sống đủ lâu. Tiếc thay cuộc sống ngắn ngủi hạn chế tầm nhìn của con người xuống một phần nhỏ bé của thế giới, khiến nó có vẻ vô nghĩa.

Giờ quan niệm Bánh Xe là Vận Số Bí Ẩn với những ý nghĩa bí hiểm phù hợp với phiên bản hiện đại của lá bài Waite-Smith, đặc biệt là khi chúng ta coi nó như nửa đường đến nửa cuối bộ Ẩn Chính. Nếu đặt lá Wheel bộ Rider bên cạnh lá The World (Thế Giới), ngay lập tức chúng ta thấy mối liên hệ giữa chúng. Một lá thì nhồi đầy biểu tượng; lá kia thì nổi bật lên vòng chiến thắng, và trong vòng đó người vũ công thoát-y là hiện thân của sự thật đằng sau những biểu tượng. Ấn tượng hơn, chúng ta cũng thấy đúng bốn con thú bốn góc mỗi lá bài, ngoại trừ việc những tạo vật thần thoại trong lá 10 trở bên thực tế và sinh động hơn trong lá The World. Thế nên, ở lưng chừng đoạn đường, chúng ta đã hiểu được đôi phần ý nghĩa cuộc sống; ở cuối con đường, nhận thức đó trở thành thực tế, trở thành một phần của chính chúng ta.

Ở Ấn Độ người ta cũng hay cúng vua chúa cho Nữ Thần mỗi năm. Khi những người Aryan theo chế độ phụ hệ tẩy chay tục lệ này thì hình ảnh của bánh xe quay vòng biến thành một biểu tượng thuyết phục đại diện cho một tín ngưỡng mới. Bánh xe luân hồi trở thành ý thức hệ của luật nhân quả (“nghiệp” trong “nghiệp chướng” trong đạo Phật hoặc đạo Hindu), dẫn đến thuyết đầu thai. Giờ đây “nghiệp” là một cách giải thích đơn giản cho sự bí ẩn của vận số. Từ những hành động trong cuộc sống, bạn tự tạo nên vận mệnh trong tương lai, thế nên làm càng nhiều việc ác bạn càng tự nhận thêm quả báo trong tương lai. – nhân nào quả nấy cả. Khi thời điểm đầu thai đến, bạn sẽ buộc bị đầu thai vào cuộc sống thấp kém hơn. (Đây là cách giải thích tâm lý đơn giản về thuyết đầu thai, dựa vào đạo Phật và Hindu nhiều hơn).

Lại nữa, sự hiểu biết bị giới hạn ngăn cản chúng ta tiếp cận chân lý đằng sau Bánh Xe Vận Mệnh, hoặc nghiệp. Khi Phật Tổ đạt đến sự giác ngộ, ngài nhớ lại từng khắc một trong cuộc sống cũ. Quả thật kí ức chính là sự khai sáng. Bằng cách tích luỹ tri thức, ngài đã có thể nhận thức được tất cả các kiếp trước đó đều được định dạng bằng đam mê của chính ngài. Khi ngài đặt dấu chấm hết cho những đam mê, ngài “rời khỏi luân hồi”. Chúng ta có thể nói rằng sự giác ngộ có nghĩa là xuyên qua ngoại giới, đi vào tâm linh tinh tuý ẩn trú trong chúng, là tìm Chúa Thánh Linh trong Bánh Xe Vận Mệnh.

Việc vua Arthur nhận thấy Bánh Xe May Mắn qua ảo ảnh trong mơ rất quan trọng. Vì dù có nhìn thấy điểm nối chính giữa bộ Ẩn Chính, hay một trong những trạng thái khác thuộc dòng hai, Vận Xa quả thật là một cách nhìn nhận từ trong Vô Thức. Ẩn Sĩ đã rời xa ngoại giới. Kết quả là Vô Thức trao cho ông một cách nhìn nhận cuộc sống dưới dạng một bánh xe chi chít biểu tượng.

Bánh Xe Cuộc Đời không xuất hiện rõ rành rành cho đến khi chúng ta rời khỏi nó. Khi đang bị cuốn vào nó chúng ta chỉ thấy những sự kiện ngay trước hoặc sau chúng ta; những lo toan thường nhật mà cái tôi coi trọng. Khi rút lui chúng ta có thể thấy toàn bộ chuỗi sự kiện. Về mặt tâm lý chúng ta có thể coi cách nhìn nhận này như một tổng kết đánh giá một con người từ quá khứ và dự định của anh ta. Trong cấp độ sâu hơn, cách nhìn nhận trở thành bí ẩn và mang tính biểu trưng. Chúng ta có thể thấy những gì chúng ta đã làm trong một kiếp đặc thù, nhưng định mệnh thì vẫn luôn là một bí ẩn.

Những biểu tượng nhảy nhót trên Bánh Xe đều mang ý nghĩa riêng; chúng giúp chúng ta thấu hiểu chân lý ẩn trong xét đoán. Tuy nhiên, chúng ta không trải qua toàn bộ mọi thế lực sống. Ánh sáng Vô Thức vẫn trú sau màn che.

Đó cũng là dấu hiệu để Malory liên kết Vận Xa với Chén Thánh. Biểu tượng Chén Thánh – đồng thời cũng là một biểu tượng của bộ Ẩn Phụ – có lẽ cũng đã xa tít mù tắp như tập tục “cúng” vua. Khi ứng viên dự bị gia nhập hội kín cổ châu Âu, họ được trao cho “tầm nhìn” về những bí mật nội tại của giáo phái, đa phần là bốn biểu tượng Cốc, Kiếm, Tiền, Gậy, cùng với những lễ nghi thần bí. Và những dụng cụ cơ bản để làm phép đặt trên bàn của pháp sư (The Magician), cũng chính là bốn biểu tượng bốn bộ của bộ Ẩn Phụ.

Mặc dù chúng ta không thể thấy bốn biểu tượng đó một cách trực tiếp trong lá chính số 10, nhưng chúng ta thấy hai trong số nhiều những biểu tượng tương đương. Bốn tạo vật bốn góc lá bài bắt nguồn từ một cảnh trong Ezekiel 1:10 (nhà tiên tri người Do Thái thế kỉ 6 trước công nguyên đã tiên đoán về việc phá huỷ Jerusalem và đế quốc người Do Thái, đồng thời truyền đi cảm hứng phục sinh lại đế quốc). Chúng cũng xuất hiện trong Khải Huyền 4:7. Giờ đây, nhiều thế kỉ đã trôi qua, bốn hình tượng này, đôi lúc được gọi là “bảo kê của thiên đường”, trở thành biểu tượng của bốn nguyên tố cơ bản trong khoa học cổ đại và trung cổ. Từ góc bên phải ngược chiều kim đồng hồ lần lượt là Lửa, Nước, Khí, Đất, và bốn nguyên tố này cũng chính là Gậy, Cốc, Kiếm, Tiền. Bên cạnh việc đại diện cho bốn nguyên tố, bốn con thú cũng đóng vai trò bốn dấu hiệu của Cung Hoàng Đạo: Sư Tử, Bò Cạp, Bảo Bình và Kim Ngưu. Cung Hoàng Đạo tất nhiên là Bánh Xe Vĩ Đại của vũ trụ. Mặc dù cả các nguyên tố và những dấu hiệu đều thể hiện thế giới trần tục, một loại bí ẩn chỉ có thể được thấu hiểu sau khi đã “ngấm” những chân lý bí mật.

Những mối dây cà dây muống khác với bốn nguyên tố là bốn chữ trong tên của Chúa khắc trên vành Bánh Xe. Bắt đầu từ góc trên tay phải, vẫn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, các chữ cái là: YOD, HEH, VAV, HEH. Vì cái tên này xuất hiện trong kinh Torah dưới dạng thức không nguyên âm (cả bốn chữ đều là phụ âm), nên không thể phát âm chúng; thế nên cái tên chân chính của Chúa vẫn là một bí mật. Ít nhất hai ngàn năm người Do Thái và người Công Giáo coi cái tên này là một phép màu. Những nhà thần bí học thiền bằng nó (Abulafia chạm tới sự xuất thần tầng 3 của Qabalah nhờ thiền với cái tên của Chúa) và pháp sư vận dụng nó. Với những nhà Qabalah học, bốn chữ cái này chính là biểu tượng của những bí ẩn thế giới. Quá trình kiến tạo vũ trụ diễn ra qua bốn giai đoạn, tuơng đương bốn chữ cái. Và tất nhiên là bốn chữ cái này cũng “chung chạ dính dáng” đến bốn nguyên tố, những biểu tượng Chén Thánh và bộ Ẩn Phụ.

Những chữ cái La Mã đặt lắt nhắt giữa những kí tự Hebrew là phép đảo chữ. Đọc theo chiều kim đồng hồ từ bên trên là chữ “TARO”; đọc ngược kim đồng hồ thành “TORA” (cũng là tên cuộn giấy của Nữ Tư Tế). Ngoài ra chúng ta còn ghép được cả chữ “ROTA” – chữ Latin có nghĩa “Bánh Xr”; “ORAT” – chữ Latin có nghĩa “nói”; và “ATOR” – một nữ thần Ai Cập (còn đọc là Hathor). Paul Foster Case học theo MacGregor Mathers – người sáng lập hội kín Bình Minh Vàng, đã lập nên câu “ ROTA TARO ORAT TORA ATOR”. Dịch ra thì câu này có nghĩa là “Bánh Xe Taro nói lên luật của Hathor”. Case gọi đây là “luật kí tự”; Ator được thờ cúng dưới vai trò nữ thần chết chóc trong tôn giáo Ai Cập – mà ta có thể hiểu rằng “cái chết” chính là luật của cuộc sống bất diệt được che giấu trong thế giới tự nhiên. Thân thể chết nhưng linh hồn vẫn sống. Case chỉ ra rằng giá trị số những kí tự của “TARO” cộng lại là 691, và tổng này cộng thêm 26 (giá trị số của bốn kí tự trong tên của Chúa – hay còn gọi là Thánh Danh Tetragrammaton) thì thành 697. Những số này có tổng 22 – 22 chữ cái trong bảng chữ cái Hebrew, 22 lá bài bộ Thiên Định. Và 22 lại đưa chúng ta trở về 4.

Bốn biểu tượng trên nan hoa là biểu tượng giả kim thuật. Đọc từ trên theo chiều kim đồng hồ, chúng là Mercury (Thuỷ ngân), lưu huỳnh, nước, và muối – đề cập đến mục đích giả kim thuật của dòng 2: sự biến đổi. Nước là biểu tượng của sự hoà tan: làm tan rã cái tôi để giải phóng bản ngã bị “vùi hoa dập liễu” trong những thói quen, nỗi sợ, và tự vệ. Chúng ta sẽ xem xét ý nghĩa của chúng trong lá Tử (Death) và lá Tiết Chế (Temperance).

Quan niệm cái chết và sự tái sinh cũng được khắc hoạ trong sinh vật trang trí Bánh Xe. Con rắn đại diện cho Set – vị thần Ai Cập của sự xấu xa, và là huyền thoại mang đến cái chết cho vũ trụ. Chính Set là người giết Osiris – vị thần của sự sống. Rất có thể thần thoại này, cũng như bản thân Bánh Xe, được đẻ ra từ tập tục cúng tế thần-vua thời tiền sử, đặc biệt là khi thấy Set từng là một vị thần anh hùng, và rằng con rắn từng rất linh thiêng với vị Nữ Thần nhận đồ “cúng biếu”. Con rắn quấn trên Bánh Xe theo hướng ngược xuống; người đầu chó đi lên là Anubis, dẫn dắt tử linh và ban tặng những sự sống mới. Theo như dăm truyền thuyết về Anubis nói rằng ngài là con của Set, chúng ta thấy được chỉ cái chết mới đem lại sự sống mới, và khi sợ hãi cái chết thì có nghĩa chúng ta chỉ thấy một phần của chân lý. Về tâm lý mà nói, chỉ cái chết ngoại tại mới giải phóng năng lượng sự sống nội tại.

Con nhân sư chễm chệ trên đỉnh Bánh Xe đại diện cho Horus, con trai Osiris – vị thần Phục Sinh (về sau người ta mới thay bằng Ator). Sự sống nốc ao cái chết. Nhưng con nhân sư, như chúng ta thấy trong lá The Chariot, cũng mang nghĩa bí ẩn của sự sống. The Chariot kiểm soát cuộc đời bằng cái tôi cứng rắn. Nhưng giờ con nhân sư đã “đè đầu cưỡi cổ” Bánh Xe. Nếu chúng ta để Vô Thức lên tiếng, chúng ta sẽ cảm được vài bí mật vĩ đại của cuộc sống, quan trọng hơn nhiều những vòng lặp vĩnh cửu của những mối lo vô nghĩa.

Set, con rắn, còn được gọi là vị thần bóng tối. Thấy bóng tối thuộc về phần xấu xa chỉ là ảo tưởng, và quả thật, sợ bóng tối, giống như sợ chết, thuộc về cái tôi. Cái tôi yêu ánh sáng cũng như Vô Thức yêu bóng tối. Ngoài ánh sáng mọi thứ đơn giản và minh bạch; cái tôi có thể tự kỉ ám thị với những ấn tượng bên ngoài. Khi bóng tối đến, Vô Thức bắt đầu quậy tưng. Đó là lí do vì sao trẻ con suốt ngày thấy quái vật giữa đêm. Một trong những lí do chúng ta chuyên tâm củng cố cái tôi bên ngoài chính là để không phải giáp lá cà với ma quỷ mỗi lần ánh sáng thối lui.

Tuy vậy những người nào muốn vượt khỏi cấp độ của The Chariot buộc phải đối mặt với những nỗi sợ đó. Rắn và nước, bóng tối và sự bão hoà đều là những biểu tượng của cái chết – cái chết vật lý (cơ thể) và cái chết tinh thần (cái tôi). Nhưng sự sống tồn tại trước và sau nhân cách chỉ là bong bóng trên bề mặt bản ngã. Sự sống quyền năng, hỗn độn và tràn đầy năng lượng. Giao phó mọi thứ cho nó và Horus – vị thần tái sinh – sẽ đem đến sự sống từ trong hỗn độn. Bánh Xe có quay lên thì cũng phải quay xuống.

Phiên bản Wheel of Fortune của Wirth bám lấy quan niệm này còn mạnh mẽ hơn. Bánh Xe đặt trên thuyền nổi trên nước. Sự tan rã, hỗn độn, nổi lềnh phềnh lên trên như hiện thực thiết yếu nằm dưới vũ trụ vật chất. Mọi hình thái tồn tại, tính đa dạng vĩ đại của sự vật và hiện tượng, đều đơn thuần là những tạo tác tạm thời từ nguồn năng lượng mạnh mẽ lấp đầy vũ trụ. Trong thần thoại Hindu, Shiva huỷ diệt cả vũ trụ theo chu kì khi dạng thức bên ngoài (như cái tôi) trở nên kiệt quệ và cằn cỗi, bằng cách giải phóng năng lượng cơ bản từ nguồn khởi sinh vũ trụ.

Số 10 gợi đến số 0. Chàng Khờ The Fool không là gì cả và không có nhân cách riêng. Nhưng chàng Khờ, như số 0, cũng là mọi thứ, vì chàng ta “cảm” năng lượng sự sống một cách trực tiếp, như chiếc thuyền chạm trực tiếp trên mặt biển. Trong bộ Rider trung tâm Bánh Xe không có biểu tượng nào. Khi chúng ta đến trung tâm tĩnh tại của sự tồn tại, bỏ lại nỗi sợ và cái tôi, mọi dạng thức bên ngoài biến mất. Chúng ta có thể thấu cảm bằng trực giác, nhưng để thực sự trải nghiệm nó chúng ta phải để bản than chìm nghỉm trong biển bóng tối đó, để nhân cách chết đi, hoà tan, và mở đường để sự sống mới trỗi dậy khỏi bóng tối.

Trong bói toán Wheel of Fortune mang nghĩa vài tay đổi trong cuộc sống một người. Người đó rất có thể không hiểu điều gì đã gây nên sự thay đổi đó; có thể là không có lý do rõ ràng mọi người cũng thấy, và thực tế người đó cũng có vẻ không phải chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra. Một tập đoàn lớn mua lại công ty người đó đang làm việc, và anh ta bị sa thải. Một cuộc tình kết thúc, không phải vì một trong hai người “lầm lỡ” hay đối xử với nhau không thoả đáng, mà chỉ đơn giản là đời vẫn tiếp diễn. Bánh Xe quay.

Điều quan trọng hơn cả là phản ứng. Chúng ta có chấp nhận tình thế mới và thích nghi không? Chúng ta có tranh thủ nó như một cơ hội và tìm tòi ý nghĩa cũng như giá trị trong sự thay đổi đó? Nếu Bánh Xe xuất hiện xuôi thì nó có nghĩa là sự thích nghi. Ở nghĩa mạnh nó nó chỉ đến khả năng vượt qua những sự kiện bí ẩn để thấu hiểu hơn cuộc sống. Cuối cuộc tình, dù đau đớn, lại có thể tự nhận thức rõ ràng hơn.

Bánh Xe lật ngược mang nghĩa đấu tranh chống lại những sự kiện xảy đến, thường là thất bại, bởi sự thay đổi đã xảy ra và cuộc đời thì lại luôn chiến thắng những kẻ chống lại nó. Tuy nhiên nếu người liên quan luôn thụ động trước mọi biến cố đời tống vào mặt, thì Bánh Xe ngược mang nghĩa một sự thay đổi quan trọng hơn nhiều so với sự biến đổi tình huống đơn thuần. Nó có thể mở ra con đường mới đến sự tự nhận thức trách nhiệm với cuộc sống của bạn.

Tìm Hiểu Thêm – 78 Độ Minh Triết Tarot

SHARE
Bài trước78 Độ Minh Triết – Lá Bài The Hermit
Bài tiếp theo78 Độ Minh Triết – Lá Bài Justice

Bài Viết Mới

78 Độ Minh Triết – Wicca

78 Degrees of Wisdom Wicca Wicca là một tôn giáo ma thuật, “tà đạo thời hiện đại”....

78 Độ Minh Triết – Lá The tetragrammaton

78 Degrees of Wisdom Lá The tetragrammaton The tetragrammaton (Danh Chúa) Bên cạnh bốn nguyên tố, chúng...

78 Độ Minh Triết – Lá The Gate Cards

78 Degrees of Wisdom Lá The Gate Cards The Gate Cards (Những lá Cổng Vào) Dù cho những...

78 Độ Minh Triết – Lá The Four Suits

78 Degrees of Wisdom Lá The Four Suits The Four Suits (Bốn chất) Bất chấp việc minh...

78 Độ Minh Triết – Bộ Tiền– Lá Nữ Hoàng Tiền

78 Degrees of Wisdom Bộ Tiền – Lá Nữ Hoàng Tiền Nữ hoàng Tiền xuôi Nếu đằng sau...

78 Độ Minh Triết – Bộ Tiền– Lá Vua Tiền

78 Degrees of Wisdom Bộ Tiền – Lá Vua Tiền Vua Tiền xuôi Sự trần tục của bộ...

Video