Ở kỳ trước, đã có những quan điểm và cái nhìn về việc thể hiện sức mạnh ngoại hiện, nó là kết quả của việc đánh giá sự tiến hoá thông qua các giác quan thông thường. Nó mang góc độ chủ quan duy lý trí, và bên cạnh đó, những hệ quả do nó tạo ra ảnh hưởng lớn đến việc hình thành, phát triển của xã hội; phân định sự hình thành giai tầng xã hội. Sâu xa hơn, nó thể hiện góc nhìn nhân sinh về quy luật của đời sống. Vô hình chung, tất cả những gì chúng ta đang hiểu về sự tiến hoá, đó là sức mạnh.
Lực lượng cảnh sát và quân đội được sinh ra bởi nhận thức rằng uy lực là sức mạnh ngoại hiện. Phù hiệu, giày, quân hàm, sóng vô tuyến liên lạc, đồng phục, quân khí, áo giáp… tất cả những thứ đó thật ra lại là biểu tượng cho nỗi sợ hãi dù những người được trang bị các món đồ đó toát ra vẻ đáng sợ. Người ta sợ cái uy lực mà những biểu tượng này đại diện, sợ những nhân vật nắm trong tay quyền “sinh sát”. Cảnh sát và quân đội, giống như chế độ mẫu quyền hay phụ quyền, không phải là nguồn gốc của kiểu nhận thức xem uy lực là ngoại hiện, “Họ” là những hình ảnh phản chiếu cách hiểu và quan niệm của con người về uy lực. Nhận thức “sức mạnh là ngoại hiện” đã định hình cho nền kinh tế chúng ta hôm nay. Khả năng kiểm soát, thao túng nền kinh tế địa phương, quốc gia và thế giới nay thực tế nằm gọn trong tay của một số cá nhân. Do đó, để bảo vệ người lao động trước uy lực của các cá nhân này, chúng ta lập ra Công đoàn; để bảo vệ người tiêu dùng, chúng ta lập ra những bộ máy công quyền trong Chính phủ; để bảo vệ người nghèo, chúng ta tạo ra những hệ thống an sinh xã hội. Đây là sự phản ánh nhận thức: một nhóm nhỏ người được sở hữu uy lực, trong khi số đông còn lại phục vụ cho nó, vun đáp cho nó lại chính là những nạn nhân.
Tiền bạc là một biểu tượng dễ thấy của dạng sức mạnh ngoại hiện. Những người có nhiều tiền nhất sẽ có khả năng kiểm soát môi trường họ đang sống và các tạo vật ở môi trường đó nhất; trong khi những người có ít tiền sẽ ít có khả năng kiểm soát hơn. Tiền bạc có thể bị chiếm đoạt hoặc mất đi, có thể mua được, bị đánh cáp, được chuyển nhượng, được thừa hưởng hay bị tranh giành. Ngoài ra, nếu chúng ta tìm thấy cảm giác an toàn từ những thứ mà mình đang có như: trình độ học vấn, địa vị xã hội, danh tiếng, tài sản, nhà cửa, xe cộ, ngoại hình hấp dẫn, trí óc nhạy bén, niềm tin vững chắc,… thì những thứ đó cũng trởthành biểu tượng phô diễn sức mạnh bên ngoài của chúng ta. Song, càng lệ thuộc, đồng hóa với chúng, ta càng dễ bị tổn thương. Đây là hậu quá khó tránh khỏi của việc xem uy lực là ngoại hiện.
Theo đó, trật tự cấu trúc Xã hội, Kinh tế, Chính trị của chúng ta cũng như trật tự Vũ Trụ cho thấy người nào có uy quyền và người nào không có. Những nhân vật “chóp bu” dường như là người có uy lực nhất, thành thử, là người có giá trị nhất và khó bị tổn thương nhất; trong khi những người “thấp cổ bé miệng” trở thành người ít uy lực, nên ít có giá trị và dễ bị tổn thương nhất. Như vậy, vị tướng có giá trị hơn binh nhì, nhà quản trị có giá trị hơn anh lái xe, bác sĩ có giá trị hơn nhân viên lễ tân, cha mẹ có giá trị hơn con cái, thần thánh có giá trị hơn tín đồ. Hệ quả là chúng ta sợ mình vượt trội hơn cha mẹ, ông chủ và Đấng Tạo Hóa – sợ gây xáo trộn trật tự sẵn có này. Việc xem giá trị cá nhân thấp kém hơn hoặc vượt trội hơn đều là hệ quả của nhận thức sức mạnh là ngoại hiện. Cuộc đua tranh nhằm giành sức mạnh ngoại hiện là nguyên nhân cốt lõi sinh ra mọi hình thức bạo lực: xung đột về ý thức hệ (như giữa chủ nghĩa Tư bàn với chủ nghĩa Cộng sản), xung đột tôn giáo (như giữa Công giáo Ai-len và Tin lành Ai-len), xung đột về địa lý (như giữa người Do Thái và người Ả Rập), những xung đột trong gia đình và hôn nhân, v.v.
(Tham khảo: The Seat of The Soul